image banner
CHÙA QUẢNG CÔNG (PHÚC LONG) ĐIỂM ĐẾN CỦA TÍN ĐỒ PHẬT GIÁO VÀ NHÂN DÂN

Chùa Quảng Công hiện ở thôn Quảng Công, xã Yên Thái, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Trong sách Lịch sử Phật giáo Ninh Bình (Nxb Tôn giáo, xuất bản năm 2017) không hề nhắc đến ngôi chùa này. Qua các Văn bia, Tháp mộ, Khoa cúng Tổ hiện còn ở chùa Quảng Công cho thấy: đây là ngôi chùa lớn ở huyện Yên Mô giai đoạn cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX. Thiền phái Tào Động được truyền từ trung tâm Bích Động (Ninh Hải, Hoa Lư, Ninh Bình) đến chùa Quảng Công và từ chùa Quảng Công truyền đi nhiều ngôi chùa khác trong địa phương và các tỉnh lân cận. Sự phát triển của chùa Phúc Long giai đoạn cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX cũng nói lên sự ảnh hưởng của phái Tào Động trong Phật giáo Yên Mô là khá mạnh.

CHÙA QUẢNG CÔNG – MỘT TRUNG TÂM CỦA PHÁI TÀO ĐỘNG Ở YÊN MÔ, NINH BÌNH CUỐI THẾ KỶ XĨ ĐẦU THẾ KỶ XX

Chùa Quảng Công có tên khác là Phúc Long tự, vì nằm ở thôn Quảng Công nên được gọi theo tên thôn. Trong sách Lịch sử Phật giáo Ninh Bình (Nxb Tôn giáo, xuất bản năm 2017) không hề nhắc đến ngôi chùa này. Trong đợt điền dã tháng 4/2021, chúng tôi phát hiện ra hàng loạt tư liệu cho thấy chùa Phúc Long là ngôi chùa lớn, là một trung tâm của phái Tào Động ở huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình giai đoạn cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX.

Vùng đất xã Yên Thái hiện nay hình thành từ sớm. “Theo Ngọc phả “Ngọc Thỏ tiết chế đại vương” và “Áp lãng chân nhân” thì vùng đất này có dân cư sinh sống từ thời Hùng Vương thứ 17” [1]. Thời nhà Hồ, Hồ Quý Ly đã cho xây thành ở thôn Quảng Công và cho quân lấy đá lấp sông để ngăn giặc tiến từ cửa Thần Phù vào, chuẩn bị chống giặc Minh. Trước năm 1832, Quảng Công là một xã thuộc tổng Yên Mô, huyện Yên Mô, phủ Trường Yên, đạo Thanh Bình, trấn Thanh Hoa ngoại [2]. Đầu thời Minh Mạng đổi đạo Thanh Bình thành đạo Ninh Bình. Năm 1832, đổi đạo Ninh Bình thành tỉnh Ninh Bình. “Thời Pháp thuộc đến năm 1945, xã Yên Thái có 13 làng, thôn, gồm: Cổ Lâm, Từ Đường, Quảng Công, Tri Điền, Lộc Động, Phù Sa, Yên Lâm, Nhân Phẩm, Hoa Tốt, Ngọc Lâm, Bình Sa, Yên Lâm, Thần Phù, Đồng Cao” [3]. Năm 1957, xã Yên Thái tách thành 2 xã: Yên Lâm và Yên Thái. Hiện nay, chùa Phúc Long thuộc thôn Quảng Công 1, xã Yên Thái, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. 

anh tin bai

 

Đến nay, chưa tìm đủ căn cứ để xác định thời điểm ra đời chùa Quảng Công. Theo các Bô lão cao niên ở địa phương, chùa được xây dựng từ rất lâu. Ban đầu là chùa nhỏ, bằng tranh, nứa, lợp mái rạ. Đến thời Nguyễn, chùa Quảng Công phát triển, trở thành một trung tâm Phật giáo của Yên Mô.

Chùa nằm ở vị trí đắc địa, “phía Nam có núi bao quanh, phía Đông có dòng sông dài, có đồng bằng nối tiếp đến phía Tây bắc. Phong cảnh đẹp như bức vẽ”. Theo quan niệm về phong thuỷ thì chùa nằm ở vị trí có bầy Rồng hội tụ, được thế “quần Long”. Trong khuôn viên của chùa vẫn còn 9 giếng mà nhân dân địa phương gọi là 9 mắt Rồng. Nước giếng lúc nào cũng trong, không bao giờ cạn. Chính vì điểm này nên người dân khu vực còn gọi chùa với tên là chùa Chín Giếng (hiện nay đã lấp 3 giếng).

Theo Văn bia “Quảng Công xã Phúc Long tự bi chí” dựng năm Bảo Đại nguyên niên (1925) thì chùa được xây dựng từ sớm. Văn bia không nói rõ chùa được xây dựng từ bao giờ nhưng căn cứ theo nội dung bia, lời người soạn bia là người xã Quảng Công, tên là Nguyễn Huy Sán, đỗ Cử nhân năm Quý Mão, làm đến chức Hàn lâm Kiểm tịch đã nói rõ về ấn tượng của mình về vị Trụ trì của chùa: “Lúc nhỏ đi theo các cụ già, gặp vị Sư đã 90 tuổi, đầu không có tóc, tiếng đọc Kinh vang như tiếng chuông”. Như vậy thì trước thời điểm lập bia (1925) chừng mấy chục năm, chùa Phúc Long đã có Trụ trì và hoạt động Phật sự đã đều khắp nên mới để lại ấn tượng sâu sắc đối với cậu bé như vậy. Điều này phù hợp với thư tịch lịch sử.

Kết hợp Văn bia và Khoa cúng Tổ đang lưu tại chùa Quảng Công thì người đầu tiên về mở cảnh chùa Phúc Long là Hòa thượng Thích Hòa Bình. Ngài xuất thân từ gia tộc họ Trần ở Đại An, Nam Định, thụ giới Tỳ kheo tại chùa Bích Động (Ninh Thắng, Hoa Lư, Ninh Bình). Bia tháp của Ngài ghi rõ đạo hiệu là Minh Giác Thiền sư, đạo duệ Thích Hòa Bình.

anh tin bai

Bích Động là trung tâm của phái Tào Động ở Ninh Bình giai đoạn cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX. Lịch sử Phật giáo Ninh Bình cho biết, vị Tổ xiển dương phái Tào Động ở Bích Động là Thiền sư Thanh Đàm, Trụ trì chùa Bích Động từ năm 1810 (thế danh Nguyễn Đình Trị, sinh năm 1786, xuất gia năm 1804, thụ Tỳ kheo giới năm 1806. Ngài là một trong 9 đệ tử đắc pháp nơi Tổ thứ 6 phái Tào Động là Thiền sư Khoan Dực Phổ Chiếu – Đạo Nguyên Tăng thống tại Thiền viện Nguyệt Quang ở Hải Phòng). Như vậy, Thiền sư Minh Giác từ Bích Động về trùng tu chùa Quảng Công thời gian thế kỷ XIX, là người có công truyền bá Tào Động về chùa Quảng Công, Yên Mô.

Sau khi Thiền sư Thích Hoà Bình quy Tây thì đệ tử là Thích Thanh Quý kế đăng Trụ trì chùa Quảng Công. Kế đăng ngài Thanh Quý Trụ trì chùa Phúc Long là đệ tử cả: ngài Thanh Tháp. Giai đoạn Hoà thượng Thanh Tháp Trụ trì, chùa Quảng Công được trùng tu, xây mới nhiều hạng mục, Phật pháp được xiển dương mạnh mẽ.

Năm 1919, chùa được trùng tu. Dấu vết lần trùng tu này, trên thượng lương của gian Thượng điện của chùa hiện nay còn dòng chữ: “Hoàng triều Khải Định tứ niên tuế thứ Kỷ Mùi niên, bát nguyệt, sơ lục nhật lập trụ thượng lương đại cát”. Ngoài sửa chữa Thượng điện, Tiền đường, nhà Tổ, Trụ trì Thanh Tháp còn cho in kinh sách để người dân đến tụng niệm có sách dùng. Năm 1923, đệ tử của ngài Thanh Tháp là Thích Thanh Hỷ đã cúng dường tịnh tài trùng tu Phủ Mẫu. Phủ Mẫu được xây bằng tường gạch, cột đá rất đẹp.

Năm 1925, ngài Thanh Tháp lại trùng tu và sau đó cho lập bia ghi lại. Văn bia cũng cung cấp cho ta biết thông tin rằng: Chùa đã được rất nhiều người ở xã Quảng Công và nhân dân trong huyện Yên Mô, các chùa ở Yên Mô, Thanh Hóa, Nam Định tiến cúng. Đó là các chức sắc Chánh tổng, Lý trưởng, cựu Chánh tổng, cựu Lý trưởng, Phó Lý trưởng… của xã Quảng Công. Đặc biệt, có các Tăng, Ni của nhiều chùa ở huyện Yên Mô, ở tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Nam Định tiến cúng. Đó là: “Hòa thượng tự Thanh Nhu, ở chùa Hưng Phúc cúng 5 nguyên. Tỳ kheo tự Thanh Hỉ người bản thôn (Quảng Công), cúng 10 nguyên. Tỳ kheo tự Thanh Trà cùng các đệ tử: Tỳ kheo Tự Thanh Nhượng, tự Thanh Huỳnh, tự Thanh Hòa, tự Thanh Hướng, tự Thanh Định, Sa di tự Thanh Dưỡng ở chùa Đông Nhiễm, xã Doãn Kế, tỉnh Bắc Giang cúng 100 nguyên. Tỳ kheo Ni tự Tâm Lương ở chùa Tịnh Xá tại Nam Định. Tỳ kheo Ni tự Đàm Tịnh hiệu Minh Nguyệt, Tỳ kheo Ni tự Đàm An ở chùa Long Cảm tại Thanh Hóa. Tỳ kheo Ni tự Phúc Lộc, Tỳ kheo Ni tự Đàm Liên, Sa-di Ni tự Đàm Nhuận. Nguyễn Thị Lan ở chùa Nhân Vinh xã Nhân Phẩm, huyện Yên Mô. Tỳ kheo Ni tự Đàm Cảnh, chùa Khánh Vân ở Hải Lăng. Sư già Thanh Hóa ở Chùa Thiên Hưng”.

Như vậy, chứng tỏ chùa Quảng Công thời kì này là ngôi chùa lớn, thuộc phái Tào Động, Trụ trì Thanh Tháp là người có ảnh hưởng lớn đối với Phật giáo không chỉ ở huyện Yên Mô mà cả khu vực các tỉnh của miền Bắc và tỉnh Thanh Hóa. Hoặc cũng có thể những Tăng, Ni về cúng tiến cho chùa Phúc Long vốn là đệ tử của chùa, được cử đi Trụ trì ở các nơi, khi chùa có việc thì quay về tiến cúng. Dù ở trường hợp nào thì đều chứng tỏ sự lớn mạnh, tầm ảnh hưởng của chùa Phúc Long đương thời.

Từ chùa Quảng Công, thiền phái Tào Động được truyền đến nhiều ngôi chùa ở huyện Yên Mô như: Chùa Thần Phù (còn gọi là chùa Ngọc Lâm, ở thôn Thần Phù, xã Yên Lâm), chùa Nhân Vinh (còn gọi là chùa Nhâm Phẩm, ở thôn Nhân Phẩm, xã Yên Lâm), chùa Quảng Hạ (tên chữ là Hào Khê tự, còn gọi là chùa Tè (vì nằm ở xóm Tè), ở làng Quảng Hạ, xã Yên Thắng),… Theo Tỳ kheo Ni Thích Đàm Thêm – Trụ trì đương thời thì chùa Quảng Công những năm đầu thế kỷ XX còn là trường hạ dành cho Ni bộ. Mỗi lần tổ chức hạ, các Ni về học tập tại chùa rất đông đúc.

Đồng thời, chùa Quảng Công còn là nơi mà nhân dân Yên Mô gửi gắm niềm tin tâm linh của mình. Họ không chỉ đến chùa tụng kinh, niệm Phật, hướng về cái thiện, việc thiện mà chùa còn là nơi họ tin tưởng, gửi gắm việc cúng giỗ sau khi qua đời. Theo Văn bia năm Bảo Đại nguyên niên đã nêu, vào tháng 4 năm này, Trụ trì của chùa Quảng Công là ngài Thanh Tháp đã cho khắc bia, để ghi nhớ lại những người cúng ruộng, gửi giỗ tại chùa. Số lượng trên bia có tới 13 người cúng ruộng, gửi giỗ. Số lượng ruộng cúng được khắc trên kia khá lớn, có người cúng tới 14 thước. Tất cả chứng tỏ chùa Quảng Công thời kì này khá lớn, là trung tâm Phật giáo khu vực, được nhân dân trong vùng tin tưởng, gửi gắm tâm linh của mình.

  • Từ khóa :
Tin mới
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

Bản quyền thuộc UBND Xã Yên Thái

Chịu trách nhiệm:

Địa chỉ: Xóm Dầu, Yên Thái, Huyện Yên Mô, Ninh Bình

Điện thoại: